Phương Pháp Dạy Và Học Tiếng Anh Giao Tiếp Phần 1/2

Tiếng anh giao tiếp

Trước khi chúng ta đi vào tìm hiểu Phương pháp dạy và học Tiếng anh giao tiếp thì chúng ta cần tìm hiểu về tiếng anh giao tiếp. Cùng bắt đầu nhé.

Contents

Tiếng Anh Giao Tiếp Là Gì?

Khác với IELTS, TOEFL – những chứng chỉ Tiếng anh quốc tế kiểm tra toàn bộ 4 Kĩ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết & chuẩn bị cho người học Kĩ năng cần thiết để học tập/ làm việc trong môi trường học thuật/ chuyên nghiệp mà Tiếng anh được sử dụng là ngôn ngữ để giảng dạy/ học tập, nghiên cứu/ trao đổi thông tin, Tiếng anh Giao tiếp có 2 đặc điểm cơ bản như sau:

  • Người học Tiếng Anh Giao tiếp có nhu cầu/ mong muốn trao đổi công việc bằng Tiếng anh ở nơi làm việc: trao đổi công việc với Sếp- là người nước ngoài, thuyết trình, đàm phán với đối tác nước ngoài, v.v…
  • Tiếng Anh giao tiếp vì thế tập trung nhiều hơn vào Kĩ năng Nghe & Nói

Nếu học Tiếng anh Giao tiếp, có phải chỉ học Nghe và Nói?

Có rất nhiều bạn cho rằng Học Tiếng anh Giao Tiếp là chỉ học Nghe & Nói, vì khi đi làm, nếu có giao tiếp với đồng nghiệp, thì cũng chỉ nghe họ nói và mình nói lại thôi.

Tuy nhiên, để Nghe được và Nói được thì đâu phải tự dưng ‘Nghe được, Nói được’ đâu. Cũng giống như, để có được một tô phở ngon, thì nguyên liệu phải chuẩn: thịt bò tươi và mềm, phở mềm dẻo, nước dùng thơm ngọt từ xương bò (lợn), hành lá, v.v… Để Nghe và Nói (Tiếng anh) được, chúng ta cần phải có:

  • Từ vựng: để hiểu người đối diện đang nói về chủ đề gì, ý tưởng, thông điệp, thái độ của họ là gì
  • Âm
  • Nhận biết được âm: để hiểu được người đối diện đang nói từ gì
  • Phát âm đúng: để người đối diện hiểu được mình đang nói gì
  • Ngữ pháp: để câu cú rõ ràng, không gây ra sự khó hiểu/ hiểu lầm cho người nghe

Có được những nguyên liệu: Từ vựng, Phát âm và Ngữ pháp là vẫn chưa đủ. Cũng giống như để làm ra một tô phở ngon, nguyên liệu ngon là chưa đủ. Nó còn phụ thuộc vào bàn tay của người nấu bát phở. Việc ‘chế biến’ Từ vựng, Phát âm và Ngữ pháp cũng tương tự như việc nấu một tô phở vậy. Người giáo viên sẽ cần tạo ra môi trường để các nguyên liệu này được chế biến một cách hài hoà, tạo sự thú vị, cũng như một chút thử thách cho người học.

Những nguyên liệu này, thay vì được dạy dưới dạng thuần lý thuyết- cách tiếp cận khá khô khan đối với người học, thì nên được coi là công cụ cho việc khám phá một câu chuyện thú vị nào đó.

Ví dụ, thay vì dạy người học nguyên một bài về Conditionals- Câu điều kiện, người dạy nên gài nội dung Ngữ pháp này trong một Câu chuyện về một nhân vật/ sự kiện nào đó. Người dạy sẽ giải thích Nội dung câu có chứa câu điều kiện trong bài, để người học hiểu được nội dung câu chuyện

Kết hợp 4 Kĩ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết trong giao tiếp Tiếng Anh

Dù Đọc & Viết không phải trọng tâm của Tiếng anh giao tiếp, điều này không có nghĩa là chúng ta không đụng tới chúng.

Những bài đọc là nguồn Tài liệu phong phú để học Từ vựng theo chủ đề, có bối cảnh từ được sử dụng, giúp người học hiểu từ hơn. Ngoài ra, bài Đọc có thể được sử dụng như một nguồn cho Speaking rất hiệu quả:

Một số hoạt động trong phương pháp dạy và học tiếng anh giao tiếp là kết hợp Reading-Speaking

  • Giáo viên hỏi học viên một số câu hỏi liên quan tới nội dung bài đọc
  • Học viên tưởng tượng diễn biến tiếp theo câu chuyện và nói cho Giáo viên nghe
  • Học viên nói cho giáo viên nghe những nội dung chính của bài đọc
  • Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm và tranh luận về Nội dung bài đọc

Kĩ năng Viết, nhìn thoáng qua, có vẻ không cần thiết trong Tiếng Anh giao tiếp. Đúng là nó không phải là trọng tâm, nhưng thông qua viết những đoạn văn ngắn, người học có thể ôn tập nội dung Ngữ pháp và thực hành được chúng, thay vì chỉ học Ngữ pháp suông. Khi ngữ pháp được củng cố thông qua Viết, Kĩ năng Nói cũng được cải thiện, vì câu có ngữ pháp đúng, không gây sự mơ hồ/ khó hiểu cho người nghe. Vì thế kỹ năng Viết cũng khá quan trọng và bổ trợ các kỹ năng khác trong tiếng anh giao tiếp.

Các Giai Đoạn Của Tiếng Anh Giao Tiếp & Cách Học

Giao tiếp 1: Xây dựng nền móng

Đối tượng của Tiếng Anh giao tiếp

Đối tượng của ‘Giao tiếp 1’ là những bạn:

  • Khả năng Tiếng anh đang ở mức: chỉ hiểu được một số câu hỏi cơ bản
  • Học tiếng Anh giao tiếp cho người mới bắt đầu

(What’s your name, How old are you, How are you) và chỉ trả lời được từ đơn (cat, apple, big, tall)

  • Âm nói ra còn sai nhiều, gây ra sự khó hiểu cho người nghe

Mục tiêu của Giai đoạn tiếng anh giao tiếp 

  • Hiểu được một số câu hỏi giao tiếp cơ bản trong đời sống hàng ngày (Weather, Time, etc)
  • Nói được câu đơn đúng ngữ pháp
  • Phần lớn âm nói ra đúng, không gây ra sự khó hiểu cho người nghe

Chặng 1: Nghe, nghe, nghe và bắt chước

Tiếng anh giao tiếp

Tại sao học ngoại ngữ lại bắt đầu với Nghe?

Trong giai đoạn này, người học Tiếng Anh giao tiếp sẽ bắt đầu với Kĩ năng Nghe, bởi lẽ đối tượng người học trong giai đoạn này khá tương tự với một em bé trong thời kì học ngôn ngữ mẹ đẻ. Chúng ta hãy thử xem cách em bé học ngôn ngữ mẹ đẻ thế nào nhé.

Trong suốt quá trình nằm trong bụng mẹ đến khi được sinh ra, em bé được tiếp xúc với những âm thanh giao tiếp trong cuộc sống một cách rất tự nhiên, liên tục, ngày qua ngày, tháng qua tháng và năm này qua năm khác. Âm thanh của các thành viên trong gia đình nói chuyện với nhau, tiếng nhạc du dương ba mẹ bật cho em bé nghe, tiếng mẹ nói chuyện với bé, tiếng ru ngủ, tiếng mưa ào ào, v,v… . Em bé chỉ nghe thôi, chứ nó chưa hiểu đó là âm thanh gì.

Rồi khi em bé được nhiều tháng hơn, bé bắt đầu hiểu một số âm thanh mà nó nghe được. Ví dụ, khi bé được tầm 12 tháng, khi mẹ nói: ‘Con ra lấy cho mẹ cái bình sữa đi’, em bé có thể hiểu lời mẹ nói và đi ra chỗ bình sữa, lấy rồi đưa cho mẹ (tất nhiên trước đó, mẹ đã nhiều lần chỉ vào cái bình sữa, gọi tên ‘bình sữa’ và minh hoạ hành động đi lấy ‘bình sữa’ cho bé xem).

Sau đó, cùng với sự phát triển của bộ não và những bộ phận khác trên cơ thể, bé nói được từ đơn. Ví dụ, khi mẹ hỏi chỉ vào ba của bé và hỏi: ‘Ai đây con?’, bé trả lời: ‘Ba, ba, baaa …’ . Mẹ chỉ vào ông của bé và hỏi: ‘Ai đây con?’, bé trả lời: ‘Ô-ông ..’.

Rồi sau đó là các giai đoạn

  • Nói được từ dài hơn:
  • Cụm danh từ: cái bánh mỳ, thịt và cá, ba và mẹ, …
  • Hành động: Ăn cơm, đi chơi (Su đang làm gì đấy? – Ăn cơm)
  • Nói câu ngắn có Chủ ngữ – Vị ngữ

Su đói, Su đi ngủ, …

  • Nói được câu dài hơn

Bà đưa Su đi chơi

Su thích ăn kem

  • Nói được câu hoàn chỉnh, có thể miêu tả người/ vật/ hành động cụ thể hơn

Cũng giống như việc em bé học một ngôn ngữ mẹ đẻ, người học trong giai đoạn này cần ‘nạp’ một lượng âm thanh của ngôn ngữ thứ hai. Nghe để cảm nhận âm thanh, KHÔNG ép bản thân phải hiểu âm thanh đó có ý nghĩa gì, cũng giống như em bé, trong những tháng đầu sau khi chào đời, bé cứ lắng nghe những âm thanh xung quanh mà chưa hiểu ý nghĩa của những âm thanh này.

Học Tiếng Anh giao tiếp quan trọng nhất là tạo môi trường nghe Tiếng anh nhiều nhất có thể

Tiếng anh giao tiếp 1

Điều mấu chốt là tạo một môi trường mà đôi tai của chúng ta được lắng nghe âm thanh của thứ ngôn ngữ này nhiều nhất có thể. Hãy nhớ rằng: em bé được tiếp xúc với âm thanh tiếng mẹ đẻ từ khi trong bụng mẹ, đến khi sinh ra, cũng được tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ gần 10-14 giờ/ ngày (10-14 giờ còn lại dành cho việc ngủ của bé). Vậy nên, người học ngoại ngữ cần phải tạo điều kiện để tiếp xúc (nghe) thứ tiếng họ muốn học nhiều nhất có thể.

Quá trình nghe trong giao đoạn tiếng anh giao tiếp này được gọi là ‘Nghe vô thức’, đó là:

  • Việc nghe tạo điều kiện để mình tiếp xúc với ngôn ngữ, nhưng không gồng mình lên, bắt mình phải hiểu ý nghĩa của các âm thanh nghe được.
  • Ví dụ, khi các bạn nghe một Video Tiếng anh giao tiếp trên xe bus, hãy thả lỏng người và coi như mình đang thư giãn bằng việc xem Video. Đoạn nào mình bắt được âm, hiểu được thì tốt, mà không hiểu được, không sao cả. Mình tua lại đoạn chưa hiểu, nghe lại, nếu vẫn chưa hiểu, mình xem Transcripts, tra từ mới (nếu cần thiết). Đó là những bước cần thiết của người mới đầu học tiếng anh giao tiếp.

Hãy cố gắng tranh thủ mọi lúc (có thể) để âm thanh ngôn ngữ rót vài đôi tai của chúng ta:

  • Nghe khi ở nhà: nấu cơm, quét nhà, đánh răng, tắm gội, v,v…
  • Nghe khi ở trên các phương tiện đi lại công cộng: xe buýt, tàu hoả
  • Nghe khi đi bộ, chờ bạn bè ở quán cafe, v,v…

Nói tóm lại, bắt đầu học tiếng anh giao tiếp thì hãy tranh thủ những khoảng thời gian ‘trống’ ngay trong bất kỳ công việc nào hàng ngày để nghe & thẩm thấu âm thanh ngôn ngữ các bạn nhé. Học ngôn ngữ không chỉ giới hạn là ngồi vào bàn, chăm chú tập trung ngồi nghe, đọc, làm bài tập, … . Mà đó là kết hợp quá trình học vô thức và có ý thức.

(Nghe có ý thức là khi ngồi vào bàn học & tập trung cao độ. Một ví dụ cho việc học ngôn ngữ có ý thức là Làm bài tập Nghe. Lúc này, chúng ta cần đọc câu hỏi, gạch chân từ khoá, và bình tĩnh, tập trung nghe Audio để bắt được nội dung cho các câu hỏi và chọn đáp án đúng nhất.)

Quá trình tiếp theo của học Tiếng Anh giao tiếp là Nghe & Bắt chước

Tuy nhiên, khác với em bé, do bộ não chưa phát triển đầy đủ, bé cần thêm một thời gian để bắt chước những âm thanh bé nghe được, người lớn chúng ta có khả năng nghe (nghe một vài lần) và bắt chước âm thanh ngay được.

Vì vậy, người dạy có thể lựa chọn những đoạn Audio có độ dài ngắn-vừa phải, tốc độ nói vừa phải, âm được phát âm rõ ràng làm tài liệu luyện khả năng Bắt âm cho người học. Người học cũng có thể tự luyện phần này tại nhà. Tuỳ theo khả năng ghi nhớ âm thanh, người học dừng lại để ghi chép lại âm thanh, đọc theo audio, và cứ thế, tiếp tục với phần còn lại trong audio. Sau đó, người học cần record lại phần bắt chước âm thanh này, và gửi cho Giáo viên kiểm tra và sửa những âm thanh chưa đúng với bản gốc.

Trong quá trình nghe, người học cần nghe kĩ. Đừng nghe vội vàng/ loáng thoáng để record lại nha, vì việc này không giúp chúng ta cải thiện được khả năng bắt âm.

Chặng 2 Tiếng Anh Giao Tiếp Học là Phiên âm Tiếng anh & Từ vựng

Bước tiếp theo học Tiếng anh giao tiếp là học phiên âm

Sau một thời gian làm quen với những âm thanh trong Tiếng anh, người học cần được hướng dẫn về 44 âm trong Tiếng anh (24 Phụ âm, 12 Nguyên âm đơn, 8 Nguyên âm kép)

Việc học về Âm rất quan trọng vì:

  • Thứ nhất, người học sẽ biết được vị trí răng, lưỡi, môi như thế nào để tạo âm đúng. Nếu người học phát âm một âm nào đó bị sai, Giáo viên nhắc lại cách tạo âm đúng. Học viên kiểm tra lại những bước tạo âm theo hướng dẫn của Giáo viên để đảm bảo rằng vị trí môi, răng & âm thanh rung ở cuống họng, giống với những gì Giáo viên đang minh hoạ/ giải thích.
  • Thứ hai, những nguyên tắc Phát âm tiết kiệm thời gian cho đối tượng người học ngoại ngữ là người lớn.
  • Thứ ba, học về Âm là cần thiết cho những nội dung khác sau này. Ví dụ: khi học về Phát âm đuôi s/es và ed, người học cần biết về Âm vô thanh, hữu thanh để hiểu và áp dụng được khi nào s/es ở cuối Danh từ/ Động từ được đọc là s, z hay iz & khi nào -ed ở cuối Động từ được đọc là t, d hay id.

Một số lưu ý khi học Phát âm trong tiếng anh giao tiếp

  • Trực quan

Người học cần xem video hướng dẫn chi tiết cách đặt răng, môi, lưỡi để tạo âm đúng.

Ngoài ra, khi học trên lớp, Giáo viên cũng minh hoạ chi tiết cách tạo âm đúng

  • Công cụ kiểm tra âm khẩu hình tạo âm có đúng không

Khi người học mắc lỗi sai phát âm (do khẩu hình chưa đúng), nếu không có một công cụ để phản chiếu lỗi sai này, họ sẽ không biết được mình sai ở bước nào. Vì thế, khi học tiếng anh giao tiếp một chiếc gương là rất cần thiết. Nhìn hình ảnh của mình trong gương, học viên sẽ nhìn ra được sự khác biệt giữa khẩu hình đúng của Giáo viên và khẩu hình chưa đúng của mình và sửa cho đến khi hình ảnh khẩu hình trong gương giống với của giáo viên.

  • Nghe và phát hiện lỗi sai phát âm

Hai bước trên là cách học một chiều từ Giáo viên đến Học sinh. Để bài học trở nên thú vị và hiệu quả hơn:

  • Giáo viên có thể đưa ra một số Phương án phát âm và yêu cầu học viên chỉ ra đâu là cách phát âm đúng.
  • Ngoài ra, Giáo viên có thể yêu cầu một vài bạn trong lớp phát âm, và hỏi những bạn còn lại xem bạn đó phát âm có đúng không, nếu sai thì sai ở đâu, v,v… .

Chặng 3: Tiếng anh giao tiếp

tiếng anh giao tiếp 2

Bảng chữ cái, Số đếm, Ngày & Giờ

Trong giai đoạn này, ngoài việc Nghe rất nhiều, người học cũng nên được giới thiệu về một số nội dung cơ bản khác như: Bảng chữ cái, cách nói số đếm 1-100, cách nói giờ (10AM, 9:45, 8:10, etc.) và ngày tháng năm.

Học Từ vựng

tiếng anh giao tiếp 3

Từ vựng là yếu tố cơ bản trong tiếng anh giao tiếp để hiểu nội dung nói/ viết. Vì vậy, mặc dù trong giai đoạn đầu này, Nghe để thẩm thấu âm thanh là Kĩ năng cốt lõi, Từ vựng cũng cần được xây dựng từ giai đoạn này.

Phương pháp dạy và học Từ vựng đóng vai trò rất quan trọng, bởi nếu dạy và học từ vựng sai sẽ dẫn tới hiểu sai nghĩa từ, và nguy hiểm hơn nữa là KHÔNG có tư duy bằng ngôn ngữ Tiếng anh, do đưa ngôn ngữ mẹ đẻ can thiệp vào quá trình hiểu & tạo ngôn ngữ Tiếng anh, khiến cho việc sản sinh ngôn ngữ Tiếng anh chậm và gặp khó khăn sau này.

Ví dụ:

Khi nhìn cái bàn, một số bạn hay nghĩ: cái bàn, và dịch nó sang Tiếng anh là ‘a table’. Quá trình này có 3 bước: nhìn, nghĩ bằng Tiếng Việt & dịch sang Tiếng anh. Tuy nhiên, đây là cách học sai hoàn toàn.

Cách học đúng là: bạn nhìn thấy cái bàn, và não bạn ngay lập tức nghĩ tới ‘a table’ – chỉ có 2 bước: nhìn & nghĩ bằng Tiếng anh.

Vì vậy, việc dạy và học từ vựng phải đảm bảo nguyên tắc này. Thay vì dịch câu ‘He goes to school every day’ sang Tiếng Việt là ‘Anh ta đi học mỗi buổi sáng’, thì giáo viên nên minh hoạ nghĩa bằng hình ảnh ‘đi học’ hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Tương tự, ‘every day’ có thể được minh hoạ bằng việc chỉ vào tất cả các ngày trong tuần.

Ngoài ra, người học có thể nghe một số Bài hát Tiếng anh cho trẻ em (English songs for kids), ví dụ như: Wheels on the bus. Mỗi từ vựng đều có hình ảnh và âm nhạc minh hoạ rất rõ ràng, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Ví dụ: trong bài hát có cụm từ ‘open and shut’.

Nếu người học liên kết open and shut với hình ảnh cánh cửa xư bus mở ra và đóng vào, khi họ nhìn thấy hình ảnh tương tự này (xe bus trên đường, cửa thang máy, etc), họ sẽ nghĩ tới ngay cụm từ ‘open and shut’ đã xem trong bài hát (họ không cần mất thời gian nghĩ: ‘mở và đóng’ trong Tiếng anh là gì nhỉ, một việc làm mất thời gian và không hiệu quả).

Cấu trúc câu cơ bản S-V cần học của tiếng anh giao tiếp

Sau một thời gian được thẩm thấu âm thanh, giáo viên có thể sử dụng chính Transcripts của những bài Nghe & Recordings làm tài liệu giải thích về cấu trúc S(subject)-V(verb), Từ để hỏi W-questions, etc – cấu trúc nền tảng cơ bản của Ngữ pháp Tiếng anh.

Giáo viên có thể phát thêm một số bài tập viết sử dụng những cấu trúc cơ bản này có học viên có thể luyện tập thêm & tạo ra một hoạt động Nói có sử dụng những cấu trúc Ngữ pháp cơ bản này.

Điều quan trọng là KHÔNG nhồi/ ép người học trong giai đoạn bắt đầu học tiếng anh giao tiếp là học Ngữ pháp. Thay vào đó, hãy để họ nghe, nghe & nghe. Rồi họ sẽ ‘nhiễm’ những cấu trúc Ngữ pháp cơ bản một cách nhẹ nhàng. Sau đó, nhiệm vụ của người dạy là tổng hợp và chỉ ra điểm chung của các câu trong những bài Nghe & Recordings của học viên – chính là Cấu trúc Ngữ pháp.

Trên đây là phần 1 của bài viết Phương pháp dạy và học Tiếng anh giao tiếp . Mình sẽ chia sẻ tiếp ở bài sau. (còn tiếp)

Link tải tài liệu về tiếng anh giao tiếp TẠI ĐÂY

Bộ sách Mastering the American Accent [PDF+CD] – Làm chủ phát âm giọng Mỹ dành cho tiếng anh giao tiếp

Tiếng Anh giao tiếp 1

Tiếng anh giao tiếp 2

Tiếng anh giao tiếp 3

Phương pháp dạy và học Tiếng anh giao tiếp phần 2 

Trương Thu Hương – Academic Manager của Anh ngữ SYM

Lịch khai giảng Liên hệ Học thử